Website Trường Mầm Non Đại Quang – Đại Lộc – Quảng Nam

Trần Tống trong ký ức người ở lại.

 

Trần Tống trong ký ức người ở lại

Tập sách “Trần Tống – Người cộng sản mẫu mực” do Tỉnh ủy Quảng Nam xuất bản như lật lại từng trang đời một người con ưu tú của quê hương Quảng Nam qua ký ức của bạn bè, đồng chí, đồng nghiệp và người thân…

 

alt
Đại diện gia đình Trần Tống (phải) tiếp nhận cuốn sách.

“Giáo sư đỏ” ở nhà đày

Trong ký ức những người còn ở lại, đồng chí đồng nghiệp, bạn bè, anh Năm Tống là một con người có khí tiết cách mạng vô cùng kiên trung trong nhà đày Buôn Ma Thuột. Người con ưu tú của quê hương Đại Lộc đã có hơn 50 năm trong cuộc đời gắn với hoạt động cách mạng, dù ở bên ngoài hay bên trong nhà lao vẫn hoạt động cách mạng hăng say, không biết mệt mỏi.

Trong hồi ký của mình, đồng chí Nguyễn Hữu Khiếu đã trân trọng gọi Trần Tống là “Người đại biểu tù chính trị”. Trần Tống là người đã dịch cuốn “Những nguyên lý của chủ nghĩa Lênin” từ tiếng Pháp sang tiếng Việt chỉ bằng trí nhớ, trở thành tài liệu quý cho anh em trong nhà lao học hỏi. Còn đồng chí Trần Tín, một người bạn tù, thì gọi anh Năm Tống là “Giáo sư đỏ”. Trong nhà đày Buôn Ma Thuột, các đồng chí Trần Tống, Nguyễn Chí Thanh, Tố Hữu, Hoàng Anh, Nguyễn Văn Chi đã vô cùng lạc quan dù chân bị cùm, động viên nhau, cùng nhau hát “bài hát cách mạng, hát cả bài Quốc tế ca, bài Marseillaise quốc ca Pháp” (Trần Tín). Và nổi lên trong việc trao đổi về lý luận của chủ nghĩa Mác- Lênin chính là Trần Tống – người có kiến thức sâu rộng, là bậc thầy giúp đỡ nhiều đồng chí cùng thời học tập.

Đồng chí Trần Tống (1916-1988) tham gia cách mạng năm 1936, được kết nạp vào Đảng Cộng Sản Việt Nam năm 1937. Trong quá trình tham gia cách mạng, đồng chí đã bị đày ở nhà đày Buôn Ma Thuột, nhà lao Hội An. Sau giải phóng, đồng chí giữ nhiều chức vụ quan trọng ở địa phương và Trung ương: Nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam-Đà Nẵng, nguyên Phó Trưởng Ban Tuyên huấn Trung ương, nguyên Phó Giám đốc Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc, nguyên Thứ trưởng, Bí thư Đảng đoàn Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, nguyên Phó Trưởng Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương.

Người chiến sĩ cách mạng Trần Tống còn được ca ngợi về phẩm chất cao đẹp, mẫu mực, sống giản dị, liêm khiết. Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương xem Trần Tống như một người anh, một người cán bộ mẫu mực về đạo đức cách mạng đáng để bao người học tập. “Trong một phiên tòa xét xử các anh Trần Tống, Nguyễn Đức Thiệu, Nguyễn Thành Hãn…, anh em đã biến buổi kết tội mình để vạch trần và tố cáo tội ác của bọn cầm quyền, làm chủ hoàn toàn phiên tòa, hành động đó có ảnh hưởng rất vang dội trong tỉnh đường” (Huỳnh Đắc Hương). Trong ký ức của Huỳnh Đắc Hương, Năm Tống là một người anh suốt cuộc đời chỉ lo cho sự nghiệp cách mạng, không bao giờ nặng về cái riêng.

Ông Vũ Duy Đề thì xem Trần Tống là một hiền tài của đất nước trong thời đại mới, luôn ca ngợi tinh thần đấu tranh ngoan cường của anh Năm trước kẻ thù. Với những người như Hoàng Minh Thắng, Phan Đấu, Lê Thị Kinh… – lớp thế hệ sau Trần Tống – thì một lần được gặp đồng chí cũng để lại những dấu ấn khó phai.

Ấm áp tình người

Với gia đình, đồng chí Trần Tống là tấm gương sáng truyền lại sức mạnh, nghị lực, ý chí vô cùng lớn trên đường đời của họ. Ông Trần Chi – em ruột đồng chí Trần Tống – cho biết: “Dù là anh em ruột nhưng chúng tôi rất ít có dịp gặp nhau vì anh Năm mãi lo việc nước. Nếu có gặp nhau, cũng chỉ hỏi qua tình hình gia đình rồi anh lại “lạc” sang đàm đạo việc nước. Cuộc đời anh tôi là thế đấy, học, sống đều vì lý tưởng cách mạng”. Bà Trần Thị Trung, em gái, tâm sự: “Nhờ được sống bên anh, chịu ảnh hưởng sâu sắc của anh Năm Tống, mọi người trong gia đình cũng như trong vùng đều được anh thức tỉnh, giác ngộ, mở mang đầu óc, tham gia đóng góp sức mình đấu tranh cứu nước, giành độc lập cho nhân dân. Anh Năm lúc nào cũng tươi cười, hiền hậu, giọng nói nhẹ nhàng, ấm áp, cuốn hút người nghe”. Còn người con rể lớn của Trần Tống, PGS-TS Võ Quảng thì cho rằng được làm rể trong gia đình họ Trần là một đặc ân: “Tôi được sống trong không khí hòa thuận, đầm ấm. Tôi chưa bao giờ nghe ông bà la rầy con cái to tiếng. Ông không bao giờ tỏ thái độ phân biệt con trai, con rể hay con gái, con dâu. Và đặc biệt thương yêu, chăm sóc các con đều như nhau”.

Cụ Nguyễn Thị Chính, năm nay đã qua tuổi 90, là một “hậu phương” vững chắc của đồng chí Trần Tống suốt những năm kháng chiến đến ngày hòa bình. Qua hồi tưởng của bà, người đọc có thể hiểu thêm về Trần Tống: “Sinh thời, ông Trần Tống không hay nói nhiều về bản thân mình, ngay cả với những người thân yêu nhất. Nhưng là người chia sẻ cả cuộc đời với ông, tôi thấu hiểu những tình cảm, suy nghĩ, tính cách và hành động của chồng tôi, và thấu hiểu vì sao bạn bè, đồng chí lại dành cho ông sự yêu quý, trân trọng nhiều đến thế”.

                                                                                                   Diễm Lệ

Cảm nhận của Phụ huynh

Chị Nguyễn Thị Hoài Thu – Phụ huynh bé: Nguyễn Huỳnh Linh Đan – Lớp lớn

Con tôi rất nhút nhát, do công việc bận rộn gia đình cũng không có thời gian để tạo điều kiện cho bé thường xuyên tiếp xúc với môi trường bên ngoài nên bé ngại giao tiếp hơn. Do đó khoảng thời gian đầu cho bé đi học là quãng thời gian khó khăn cho cả bé và gia đình. Tôi đã từng khóc khi thấy bé đứng thút thít do không thuộc những động tác thể dục buổi sáng… Thời gian trôi thật mau, giờ bé đã nên người và tự tin hơn rất nhiều, bé lại có thể phát huy được năng khiếu múa hát. Tất cả là nhờ sự yêu thương, gần gũi của các cô đã làm cho bé tìm được niềm vui khi đến lớp.