Website Trường Mầm Non Đại Quang – Đại Lộc – Quảng Nam

Giới thiệu về nhà trường

SỰ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CỦA

TRƯỜNG MN ĐẠI QUANG

***********

 

          Những năm tháng chiến tranh, một vùng quê nghèo nàn, có bao giờ tuổi thơ được vui chơi học tập dưới  mái trường tươi ngói đỏ bên thầy cô, bè bạn yêu thương.

          Thế rồi, sau đại thắng mùa xuân 1975, đất nước ta hoàn toàn giải phóng, sự nghiệp chống Mỹ cứu nước kết thúc, cũng là lúc Đảng và nhà nước ta phải lao vào công cuộc kiến thiết đất nước, hàn gắn những vết thương chiến tranh. Thời bấy giờ, mô hình Hợp tác xã ra đời, nhà kho, nhà đội mọc lên. Và cũng nhờ đó lớp mẫu giáo đuợc gởi gắm vào những nhà kho, nhà đội và cả cơ quan thôn, kể cả cơ quan thôn, đình làng hay nhà thờ tộc họ, những cây tre được ghép lại thành ghế, thành bàn . Ấy thế! mà tỷ lệ chuyên cần đến lớp của trẻ đạt 90% và đội ngũ giáo viên hêt lòng yêu nghề mến trẻ dù chế độ lương tiền chỉ là những ang lúa, rổ khoai… Dẫu thế nhưng sáng chiều xóm thôn  vẫn vang lên tiếng hát trẻ thơ bên cô giáo hiền.

Ngôi trường chưa được hình thành theo đúng nghĩa nhưng trường MN Đại Quang vẫn có một cô hiệu trưởng tên gọi Nguyễn Thị Sanh, cơ cở vật chất của trường quá khó khăn  nhưng cô vẫn miệt mài chăm lo cho những gì đang có để đúng nghĩa với trách nhiệm của mình, thế rồi không dễ gì gắn bó với sự nghiệp mầm non bởi mỗi người một hoàn cảnh khác nhau, cô Sanh phải xin nghĩ việc.

Công việc được bàn giao cho cô Nguyễn Thị Khanh giữ chức vụ Hiệu trưởng, với một ngôi trường tạm bợ trong thời kỳ đất nước đang kiến thiết, hố bom đẫy dãy với bao nổi khó khăn chung. Chính vì vậy việc tham mưu là trách nhiệm của người cán bộ quản lý để từng bước thay da đổi thịt cho ngôi trường, của mình. Thế là, từ những lớp học nhà kho, nhà đội, cơ quan thôn, đình làng nhà thờ tộc họ, đã có được những bộ bàn ghế nho nhỏ để các cháu vui chơi, học tập. Nhưng đến  ngày mùa thì cô và cháu tạm thời nghĩ học để nhường chổ cho những tạ thóc vàng, đến khi nào kho lương thực chuyển thóc đi thì cô và cháu mới được đi học lại. Và cũng thời điểm này, cô mẫu giáo cũng tạm thời yên tâm khi HTX trả lương bằng lúa..

Đến năm 1980, trường MN Đại Quang được hình thành và có QĐ chính thức. CBQL được đào tạo chuyên môn là Cô Thiều Thị Tân được điều động về làm Hiệu trưởng, thời gian này nhà trường đã tổ chức bán trú tại 2 cụm thôn Đông Lâm và thôn Phú Hương, các cháu được học ở lại trưa. Ở thời điểm đó, dù cơm cao, gạo kém nhưng trường MN Đại Quang vẫn có ngôi trường bán trú với số cháu gần 200 và đó là bước nhảy vô cùng quan trọng. Vì đối với một vùng quê nghèo sau chiến tranh, việc mở trường bán trú thật không dễ chút nào!  Nhưng rồi bản thân mỗi  người cũng đi lên theo sự nghiệp thế là cô Tân về công tác tại phòng giáo dục và đào tạo Đại Lộc và tiếp tục gởi gắm sự nghiệp cho cô giáo Nguyễn Thị Vân. Sau 2 năm cô Vân trở lại với nhiệm vụ giảng dạy, trường MN Đại Quang được đón nhận một hiệu trưởng mới đó là cô Nguyễn Thị Loan, một  giáo viên dạy địa lý của trường trung học cơ sở Nguyễn Du lúc bấy giờ. Và thế là trường MN Đại Quang được cô Loan ghi thêm một phần công sức nhưng cũng chỉ là chắp vá bởi cô cũng không phải chuyên ngành. Những tưởng, cô Loan sẽ gắn bó với sự nghiệp mầm non, song sau 3 năm cô xin chuyển về nơi đã công tác vì điều kiện gia đình.

Vậy là một lần nữa, cô giáo Nguyễn Thị Cúc, một giáo viên trường tiểu học Đại Quang được PGD phân công về công tác với vai trò hiệu trưởng. Ở thời điểm này, với ngành học mầm non biết bao khó khăn, thử thách nhưng mỗi người hiệu trưởng đều có tâm huyết là làm thế nào để mỗi ngày trường lớp được khang trang, nhưng lực bất tòng tâm. Dù thế, nhưng các hoạt động và phong trào của trường cũng từng bước được khởi sắc. Những thành tích đạt được như: Giáo viên giỏi, trường tiên tiến xuất sắc cấp huyện , cấp tỉnh.

     Sau 3 năm cô Cúc xin về dạy tại trường tiểu học, công tác quản lý được bàn giao cho cô Lê Thị Ngọc Lệ giữ chức vụ Hiệu trưởng, giai đoạn này đòi hỏi cần có sự phấn đấu hơn nữa để vững bước đi lên trong mọi lĩnh vực như: Công tác quản lý, chuyên môn, cơ sở vật chất, công tác chăm sóc nuôi dưỡng trẻ ngày càng được cải tiến và đi vào nề nếp qui mô hơn. Từ đó, sức chiến đấu của đội ngũ ngày càng phải mạnh mẽ để từ một đội ngũ chỉ có 9-10 CB-GV-NV đến năm học 2003-2004 đã có đến 18 CB-GV-NV cùng với những thành tích đáng được biểu dương. Với một chặng đường dài sau hơn 12 năm cùng với sự cố gắng nhiệt tình để có được những thành tích đáng ghi nhận. Nhưng hiện tại về CSVC của nhà trường vẫn không thể nào khắc phục được, lớp MG vẫn còn là nhà kho, nhà đội cơ quan thôn chỉ có cụm bán trú Tam Hoà được coi là khang trang nhất chuyển từ trụ sở uỷ ban xã.

      Đến năm học 2004 – 2005 cô Trương Thị Bông được PGD&ĐT điều về làm Hiệu trưởng, yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao, trong đó chủ trương xây dựng trường đạt chuẩn Quốc gia được coi là trọng trách của người CBQL nhưng thực trạng CSVC năm 2006-2007 vẫn còn chắp vá, đến mỗi mùa khai giảng chỉ được thay vào đó một lớp vôi màu để có chiếc áo mới khoe mùa khai giảng .

 Điều đáng quan tâm hơn nữa, từ năm học 2007-2009, trường chúng tôi phải học nhờ trường TH Trần Tống gần 3 học kỳ, với bao nổi khó khăn về điều kiện và phương tiện nhưng BGH và giáo viên của trường TH Trần Tống đã tạo mọi điều kiện để trường tổ chức dạy học,việc tổ chức cho trẻ ăn ngũ tại trường

Dù khó khăn là vậy nhưng đội ngũ CB_GV_NV vẫn không ngừng phát huy vai trò trách nhiệm trong mọi hoạt động chuyên môn, lễ hội và phong trào văn hoá- văn nghệ, thể dục thể thao nhằm đáp ứng yêu cầu giáo dục trong thời kỳ đổi mới. Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh công nghệ thông tin trong nhà trường luôn được chú trọng, nhà trường tổ chức tập huấn kiến thức tin học cho đội ngũ cộng với công tác tự học, tự rèn nên hiện nay có 100% CB-GV-NV trường đã biết sử dụng các thiết bị công nghệ thông tin, phần mềm để đáp ứng kịp thời nhiệm vụ quản lý, dạy học và nuôi dưỡng.

       Thế rồi, được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo cùng với sự nổ lực của BGH nhà trường đến năm học 2011-2012 trường MN Đại Quang đã đi vào ổn định về CSVC với một cụm trung tâm tại thôn Tam Hòa được tầng hoá 10 phòng học gồm 8 lớp bán trú với hơn 200 cháu, 1 cụm bán trú tại thôn Phước Lộc gồm 4 lớp với gần 100 cháu và 2 điểm trường lẻ tại thôn Mỹ An, thôn Đông Lâm

          Đến tháng 5/2012, cô Trương Thị Bông nghỉ hưu, được sự điều động của cấp trên cô Nguyễn Thị Liên về nhận công tác tại trường và giữ chức vụ hiệu trưởng, cô đã phát huy và thừa kế những thành quả mà nhà trường đã đạt được trong thời gian qua. Tiếp tục tham mưu xây dựng thêm một điểm trường tại thôn Phú Hương, gộp 2 điểm trường lẻ thôn Đông Lâm và Mỹ An. Đồng thời, tham mưu  bổ sung đầy đủ trang thiết bị phục vụ công tác chăm sóc giáo dục của 2 điểm trường còn lại theo yêu cầu của một trường MN đạt chuẩn Quốc gia.

        Từ những quyết tâm của BGH nhà trường, cộng với cố gắng của đội ngũ, sự đồng tình ủng hộ của phụ huynh và sự quan tâm của các cấp lãnh đạo. Đến nay, trường MN Đại Quang đã có 15 lớp, đội ngũ CB-GV-NV là 46 người với 430 cháu ra lớp và tham gia bán trú, mạng lưới trường lớp từ năm học 2011-2012 có 4 điểm trường, đến năm học 2014-2015 được rút gọn còn 2 điểm trường khang trang, sạch đẹp theo yêu cầu của trường MN đạt chuẩn Quốc Gia và đã được UBND tỉnh về kiểm tra vào ngày 14/4/2015 vừa qua.

          Chúng tôi tin tưởng rằng, trong những năm tháng tiếp theo cùng với sự quyết tâm cao của đội ngũ CB-GV-NV, trường MN Đại Quang tiếp tục vững bước đi lên theo kịp nhịp sống của thời đại mới.

***************

Cảm nhận của Phụ huynh

Anh Võ Thành Hưng – Phụ huynh bé: Võ Gia Huy – Lớp nhỡ

ôi chưa từng thấy một ngôi trường mầm non nào có sân chơi rộng rãi – sạch sẽ – thoáng mát và nhiều trò chơi bổ ích như ngôi trường mầm non này ! Thật là bất ngờ thú vị , nó giống như một công viên thiếu nhi thực thụ ! Hàng ngày mỗi buổi sáng , tôi đều cùng bé Gia Huy chơi đùa dưới sân trước giờ học, bé rất thích thú và học hỏi được nhiều điều mới lạ. Và từ một đứa bé rụt rè nhút nhát, đến nay, sau hơn 4 tháng học tập vui chơi ở đây, bé đã được phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn tinh thần lên rất nhiều !